Đắc Kiến Tinh Quang - Chương 5

18.


Lần đầu tiên tôi gặp Kỷ Trừng là tại trại tị nạn Goma.


Khi ấy, tình hình ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo vô cùng hỗn loạn.


Các nhóm vũ trang, vì tranh giành tài nguyên khoáng sản và mâu thuẫn sắc tộc, liên tục tấn công những ngôi làng.


Hàng trăm nghìn người buộc phải rời bỏ quê hương, tràn về các thành phố lớn để lánh nạn.


Khi tôi đến trại tị nạn, vài bác sĩ đang chữa trị cho một bé gái.


Con bé bị mắc kẹt một viên đá nhỏ trong tai do ảnh hưởng từ một vụ nổ.


Nó vùng vẫy dữ dội, khiến các bác sĩ không dám tùy tiện ra tay.


Lúc này, có người lớn tiếng gọi:


"Kỷ!"


Một người đàn ông châu Á bước đến.


Sau khi kiểm tra tình trạng của bé gái, anh ta bỗng lấy từ trong áo blouse trắng ra mấy lá bài, rồi bắt đầu làm ảo thuật ngay tại chỗ.


Bé gái lập tức bị thu hút.


Các bác sĩ bên cạnh liền tranh thủ cơ hội hành động.


Keng!


Khi viên đá nhỏ rơi xuống khay sắt, lá bài trong tay người đàn ông cũng biến mất.


Thay vào đó, một nhành tử la lan châu Phi xuất hiện. 


Đôi mắt tròn xoe của bé gái tràn đầy kinh ngạc.


Nó kéo tay áo anh ta lật qua lật lại, nhưng chẳng tìm thấy gì.


Cuối cùng, nó vỗ tay cười khanh khách, níu chặt vạt áo bố mẹ, líu ríu kể lại.


Người đàn ông cúi xuống, đưa nhành hoa cho bé gái, rồi nhẹ nhàng tiễn những bậc phụ huynh đang rối rít cảm ơn ra khỏi lều y tế.


Tôi giơ máy ảnh lên, chụp lại khoảnh khắc kỳ diệu này.


Tiếng bấm máy khiến anh ta quay lại.


Vừa nhìn thấy tôi, anh ta thoáng sững sờ, rồi lên tiếng bằng tiếng Pháp:


"Người châu Á không nhiều ở đây, cô đến từ đâu vậy?"


Tôi đáp:


"Trung Quốc."


Anh ta lập tức chuyển sang tiếng Trung, nụ cười đầy phấn khởi.


Anh ta nói mình tên Kỷ Trừng, hiện là bác sĩ của tổ chức "Bác sĩ Không Biên Giới" đóng tại Goma.


Nhớ đến cảnh tượng vừa rồi, tôi tò mò hỏi:


"Anh kiếm đâu ra nhành hoa đó vậy?"


Bởi lẽ, trong một trại tị nạn, hoa vốn là thứ xa xỉ.


Anh ta thoáng đắc ý:


"Tôi trồng đấy, có muốn xem không?"


Tôi theo anh ta về ký túc xá.


Ở đó, tôi nhìn thấy một khu vườn nhỏ được tạo nên từ những thùng xốp, chai nhựa, mảnh gạch vụn nhặt được.


Có tử la lan châu Phi, bách tử liên, lan nhiệt đới, đỗ quyên Congo…


Tôi không khỏi thắc mắc:


"Tại sao anh lại trồng những thứ này?"


Anh ta gác chân lên bàn, giọng điệu đầy hiển nhiên:


"Vì hoa khiến người ta vui vẻ."


Tôi chỉ thấy khó hiểu.


Anh ta lại cười.


"Tôi biết cô đang nghĩ gì “


"Cô cảm thấy, đối với họ, lương thực, nước sạch, thuốc men quan trọng hơn, còn hoa thì chỉ là thứ phù phiếm, đúng không?"


Tôi khẽ gật đầu.


Anh ta nói:


"Ở nơi này, mọi thứ đều ép con người quên đi cái đẹp. Nhưng niềm vui giúp họ nhớ rằng, họ vẫn còn sống, vẫn xứng đáng mong đợi điều gì đó.”


"Có mong đợi, sẽ có hy vọng."


Khóe môi anh ta cong lên, rồi nháy mắt với tôi.


"Thế nên, hoa cũng quan trọng lắm chứ."


Tựa như có một dây đàn mỏng manh trong lòng khẽ rung lên.


Tôi nhìn người đàn ông này—lạc quan một cách kỳ lạ, nồng nhiệt đến mức vô tư.


Chẳng hiểu sao, lại nhất thời không thể dời mắt.


19.


Toàn bộ trại tị nạn chỉ có hai người Trung Quốc—tôi và Kỷ Trừng.


Thế nên, chúng tôi mặc nhiên trở thành đồng minh.


Nhưng khác với ấn tượng ban đầu, Kỷ Trừng thực ra cực kỳ nghiêm túc trong công việc.


Anh ấy cung cấp cho tôi vô số thông tin chi tiết về số lượng thương vong, tình trạng thiếu hụt vật tư…


Còn tôi, biến những con số ấy thành những bài phóng sự, lan truyền ra thế giới.


Bài báo đầu tiên của tôi đã giúp địa phương giành được một lô hàng viện trợ gần một nghìn tấn lương thực.


Hôm đó, Kỷ Trừng phát hiện tỷ lệ tử vong do HIV trong trại cao bất thường.


"Chúng tôi vẫn phân phát thuốc kháng HIV đều đặn, nhưng họ cứ từng nhóm, từng nhóm mà chết đi…"


"Thật vô lý, trừ khi họ chưa từng uống thuốc."


Tôi lật xem hồ sơ bệnh nhân, nói:


"Vậy để tôi điều tra."


Tôi lân la tìm hiểu khắp nơi.


Cuối cùng phát hiện—không chỉ thuốc HIV, mà hầu hết thuốc miễn phí được phát ra đều trôi dạt vào chợ đen.


Chỉ cần một túi bột ngô mốc meo, các con buôn có thể đổi được những viên thuốc cứu mạng.


Vì đó là miếng ăn giúp họ và gia đình cầm cự thêm một tháng.


Bài báo đăng tải đã gây chấn động trên truyền thông quốc tế.


Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc ngay lập tức điều phối nguồn cung ứng.


Ngày đoàn xe cứu trợ tiến vào trại, những tiếng hò reo chưa từng có vang vọng khắp nơi.


Chúng tôi tất bật phân phát thực phẩm, mồ hôi nhễ nhại, nhưng trong lòng ngập tràn thỏa mãn.


Sau khi đưa túi khoai tây cuối cùng cho một bà mẹ ôm con sơ sinh, tôi và Kỷ Trừng ngã phịch xuống cạnh chiếc xe tải.


Anh ấy nghiêng đầu nhìn tôi.


Nụ cười bừng sáng cả gương mặt, khiến diện mạo vốn dĩ đã điển trai càng thêm rực rỡ.


"Niết Lan, cảm ơn em."


"…Cảm ơn gì chứ."


"Trước khi em đến, anh chỉ có thể trơ mắt nhìn họ chìm trong tuyệt vọng, những gì anh có thể làm rất ít.”


"Nhưng bây giờ, anh nhìn thấy ý nghĩa của mình từ em.”


"Em đã để thế giới thấy họ—và cả chúng ta."


Tim tôi đập dồn dập.


Gần như không thể thở nổi.


Tôi vội vàng đưa tay vén tóc, cố gắng che đi đôi tai đang dần đỏ ửng.


20.


Từ đó, tôi và Kỷ Trừng nhanh chóng thân thiết.


Anh ấy rất được mọi người yêu quý.


Vừa là một bác sĩ giỏi, đáng tin cậy trong những tình huống nguy cấp…


Lại vừa hài hước, lúc nào cũng có thể khiến người khác bật cười.


Tôi thích ở bên anh ấy.


Có anh ấy xuất hiện, ngay cả những nhân vật tôi phỏng vấn cũng chịu mở lòng hơn.


Một ngày nọ, tôi theo anh ấy đi phun thuốc phòng chống dịch tả trong khu trại.


Bỗng nhiên, từ một căn lều bỏ trống vang lên tiếng kêu cứu thất thanh.


Tôi lập tức lao vào.


Kéo tấm màn lên, cảnh tượng trước mắt khiến tôi lạnh mặt—


Một gã đàn ông đang đè một cô gái xuống, thô bạo xé rách quần áo của cô ấy.


Không kịp suy nghĩ, tôi lao tới đẩy mạnh hắn ra.


Hắn văng tục, vung nắm đấm về phía tôi.


Nhưng Kỷ Trừng đã nhanh hơn—


Anh ấy kéo tôi ra sau lưng, đồng thời giơ thẻ công tác trước ngực lên.


"Nếu không muốn sau này không ai chữa bệnh cho mày, thì tốt nhất biến ngay!"


Gã đàn ông nhìn chằm chằm vào dấu chữ thập đỏ trên thẻ.


Rồi vừa chửi rủa, vừa xốc lại quần áo, bỏ chạy.


Chúng tôi đưa cô gái đến văn phòng của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), nhờ họ sắp xếp chỗ ở mới cho cô ấy.


Xong xuôi mọi việc, Kỷ Trừng vỗ nhẹ vai tôi.


"Đừng buồn. Em đã làm rất tốt rồi."


Tôi thoáng ngẩn ra:


"Em không buồn."


Bạo lực và tội phạm luôn tồn tại song song với các trại tị nạn.


Tôi đã biết điều đó từ lâu.


Nhưng anh ấy nghiêng đầu, chăm chú nhìn tôi:


"Nhưng trông em rất buồn đấy."


Tôi sững người.


Lặng lẽ giơ tay, chạm vào mặt mình.


Bỗng dưng, anh ấy bật cười.


Vươn tay, dùng sức véo má tôi.


"Tâm trạng của một người, không chỉ viết trên khuôn mặt đâu!"






Bình luận
Đăng ký mới
Báo Lỗi Truyện!
Mô tả chi tiết lỗi. Nếu báo đúng sẽ được thưởng 50 coin. Báo sai sẽ bị trừ 50 coin.
Donate Ủng hộ Team
Premium Chapter
hoặc 0 coin
Nếu không có mật khẩu mở chương bạn sẽ bị trừ coin!
Bạn có chắc chắn thực hiện hàng động này!
Đăng nhập
Nếu không đăng nhập được hãy dùng chức năng quên mật khẩu để lấy mật khẩu mới!
Quên mật khẩu
Mật khẩu mới và link xác nhận sẽ được gửi tới địa chỉ email! Mật khẩu mới chỉ có hiệu lực sau khi bạn xác nhận!
Thông báo