21
Anh ấy dường như đã tìm thấy một niềm vui mới.
Từ đó, mỗi lần gặp tôi, anh ấy đều quan sát vài giây.
Rồi nói: "Hôm nay tâm trạng không tệ nhỉ?"
Hoặc: "Ai chọc giận em à?"
Tôi vừa bất lực vừa buồn cười.
Không nhịn được mà hỏi: "Anh rốt cuộc nhìn ra bằng cách nào vậy?"
Anh ấy gối tay sau đầu, thản nhiên đáp:
"Anh có một đứa em trai. Ở một số khía cạnh… em và nó khá giống nhau. Đều thích giấu cảm xúc vào trong."
Nhắc đến gia đình, tôi lặng người:
"Anh ở đây, gia đình không lo lắng sao?"
Anh ấy nhàn nhạt lắc đầu.
"Bọn anh đã cắt đứt quan hệ rồi."
"Tại sao??" Tôi có chút kinh ngạc.
"Vì anh không chịu nghe theo họ.”
“Họ kiểm soát rất đáng sợ. Từ nhỏ đã bắt anh làm cái này cái kia, chỉ cần phản kháng một câu, sẽ ăn đòn ngay.”
“Anh nghe lời họ học y, vào bệnh viện làm bác sĩ, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Họ muốn anh tiếp tục cố gắng, tiếp tục leo lên cao hơn, để làm rạng danh gia đình.”
“Nhưng anh không muốn sống như vậy nữa. Anh chỉ muốn làm những điều thuần túy.”
“Bác sĩ không biên giới giúp anh quay về bản chất của nghề y—đó chính là cứu người. Anh thực sự rất thích."
Anh ấy thở dài:
"Nói ra thì, anh cảm thấy có lỗi với em trai mình.”
“Lúc nhỏ anh không chịu nghe lời, thế là họ sinh thêm nó. Lỡ như anh bị vứt bỏ, họ vẫn còn một ‘bản sao’ để làm lại từ đầu.”
“Sau khi anh bỏ đi, nó bị ép đi theo con đường cũ của anh.”
“Nó rất nghe lời, nhưng anh biết nó cũng rất ngột ngạt.”
“Anh nghe nói, sau này nó từng yêu một cô gái rất năng động. Nhưng cũng bị họ chia rẽ…"
Đây là lần đầu tiên tôi nghe anh ấy nhắc đến gia đình.
Không ngờ câu chuyện lại khiến người ta phải cảm thán như vậy.
Chúng tôi im lặng một lúc.
Anh ấy nhìn tôi, hỏi:
"Còn em thì sao? Sao em lại trở thành phóng viên chiến trường? Gia đình em không lo lắng à?"
22
Có lẽ vì anh ấy đã chân thành chia sẻ về gia đình mình trước.
Nên tôi cũng không còn cảm thấy quá khó để mở lời nữa.
Tôi do dự, rồi nói:
"Mẹ em mất rồi. Còn bố em, cũng giống anh, đã cắt đứt quan hệ."
Năm đó, mẹ tổ chức tang lễ.
Có rất nhiều người đến, một biển người áo đen.
Người chủ trì đọc một bài điếu văn thật dài.
Tôi nghe không hiểu hết, giữa chừng liền lơ đãng.
Một con bướm bay vào linh đường, đậu lên di ảnh của mẹ.
Đôi cánh nó khẽ rung, làm bức ảnh trông như sống động hẳn lên.
Tôi nhìn mẹ cười với mình, cũng bật cười theo.
Giây tiếp theo, bị bố tát ngã xuống đất.
Ông gào lên:
"Mẹ mày chết rồi! Sao mày còn cười được?!"
Mọi người xung quanh đều nhìn tôi, như thể tôi là một con quái vật.
Tôi bật khóc nức nở.
Ông lại tát tôi một cái nữa.
"Tao còn chưa khóc! Mày khóc cái gì?!"
"Khóc nữa, tao vứt mày ra ngoài, không cần mày nữa!!"
Khoảnh khắc đó, tôi sợ đến mức toàn thân run rẩy.
Nước mắt lăn dài nhưng không dám phát ra tiếng.
Tôi cắn chặt môi đến bật máu, không dám hé răng thêm một lời.
Năm đầu tiên sau khi mẹ mất, bố thường xuyên ngồi trong phòng khách lúc nửa đêm, lật xem từng bức thư và tấm ảnh cũ.
Năm thứ hai, ông bỏ tất cả đồ đạc của mẹ vào mấy cái thùng giấy, đẩy vào góc phòng, để mặc cho bụi phủ đầy.
Năm thứ ba, ông tái hôn.
Bà dì mới đến đã lôi mấy cái thùng ấy ra sân, định châm lửa đốt sạch.
Tôi đã liều mạng lục tung chúng lên, ôm chặt chiếc máy ảnh vào lòng vì thế mà bị bỏng khắp người.
Từ đó, mẹ chỉ còn lại duy nhất một món di vật này.
Sau đó, em gái tôi ra đời.
Toàn bộ tình yêu và sự quan tâm trong nhà đều dành cho con bé.
Tôi như một người vô hình, cứ thế lớn lên trong ngôi nhà ấy đến năm 18 tuổi.
Ngày nhập học, bố ném cho tôi một xấp tiền dày:
"Mày lớn rồi, sau này đừng quay về nữa."
Tôi đếm thử, có ba vạn.
Ba vạn tệ, mua đứt quan hệ máu mủ giữa chúng tôi.
Lên đại học, thầy cô và bạn bè đều nói tôi rất hợp làm phóng viên.
Bởi dù có đối mặt với chuyện gì, tôi cũng có thể giữ vững sắc mặt.
Sau khi trở thành phóng viên chiến trường, điều đó lại càng là một lợi thế.
Mọi người đều khâm phục tâm lý vững vàng của tôi.
Nhưng chỉ có tôi biết, thật ra tôi không phải mạnh mẽ gì cả.
Mà là không dám.
Tôi luôn tự hỏi, nếu ngày đó trong linh đường tôi không làm bố giận…
Thì ông có lẽ sẽ không bỏ rơi tôi, đúng không?
Tôi đã quen với việc kìm nén tất cả cảm xúc của mình.
Không dám nghĩ, nếu tôi lại bật cười một lần nữa, hay lại khóc một trận…
Tôi sẽ còn mất đi điều gì nữa đây?
…
Nói đến đây, tôi nhẹ nhàng thở ra một hơi.
Những điều này đã đè nặng trong lòng tôi suốt bao năm, hôm nay mới lần đầu tiên thổ lộ với một người khác.
Hàng lông mày của Kỷ Trừng nhíu chặt.
Nét cười thường trực trên môi anh cũng biến mất.
Giọng anh nghiêm túc:
"Niết Lan, em quên mất rồi sao? Khi đó, em mới chỉ là một đứa trẻ năm tuổi."
Tôi ngẩn ra: "Hả?"
"Khóc, cười – đó là đặc quyền của trẻ con."
"Em cố gắng đè nén bản thân đến vậy, chỉ vì từ trước đến nay, em chưa từng được phép làm một đứa trẻ."
23
Tôi sững sờ.
Đầu óc như bị một cây gậy đập mạnh vào.
Hóa ra là vậy sao?
Sau tang lễ, suốt một thời gian dài, bố không nói chuyện với tôi.
Về sau, khi em gái ra đời, mọi nhu cầu của tôi đều phải xếp sau con bé.
Lên đại học, tôi phải vừa học vừa tự lo cho bản thân.
Có lẽ… thật sự chưa từng có khoảnh khắc nào tôi được đối xử như một đứa trẻ.
Vì không có ai để dựa vào, nên tôi hiểu rằng dù mình có khóc hay cười, cũng chẳng ai đáp lại.
Chi bằng giấu tất cả vào trong lòng.
Tôi cúi đầu, cảm thấy cay đắng.
"Phải đấy! Nhưng bây giờ cũng đã lớn rồi, càng không thể như trẻ con nữa.”
"Muốn cười thì cười, muốn khóc thì khóc…"
Đột nhiên, một dòng điện chạy dọc khắp xương sườn.
Một cảm giác tê rần lan khắp người.
Làm tôi giật bắn, bật ra một tiếng kêu kỳ quặc.
Tôi ngoảnh lại…
Là Kỷ Trừng! Anh ấy vừa chọc vào eo tôi!
Anh cong môi, nở một nụ cười tinh quái.
"Ai nói là không thể?"
Tôi ra sức lùi lại, nhưng bị anh túm lấy.
Chỗ eo như có một cái công tắc.
Dù tôi cố gắng mím chặt môi đến đâu, vẫn cười rũ rượi như một quả bóng xì hơi.
"Dừng lại!!
"Đừng chọc nữa! Nhột quá!!
"Hahahaha… Làm ơn đấy!"
Tôi vùng ra, lại bị anh dồn vào góc.
Cười đến mức nước mắt sắp trào ra.
Tôi vừa cười vừa cầu xin:
"Tha cho em đi, bác sĩ Kỷ!!"
Anh nhe răng cười, lại giơ “ma trảo” ra.
Tôi co rúm lại thành một cục, nhưng lại phát hiện—
Cảm giác nhột nhạt trong tưởng tượng không ập tới.
Tôi len lén hé mắt.
Thấy anh xòe tay trước mặt tôi.
Trên lòng bàn tay, là một viên kẹo.
Anh cười híp mắt:
"Nào, phần thưởng cho nhóc con."
Tôi đờ người mất mấy giây.
Rồi kiệt sức ngồi bệt xuống đất.
Bóc vỏ kẹo, cho vào miệng.
Dở tệ.
Mùi hương liệu trái cây rẻ tiền tràn ngập khoang miệng, ngọt đến phát ngấy.
Nhưng lại làm hốc mắt tôi nóng rực.
Kỷ Trừng cúi xuống, kéo tôi lên, ôm vào lòng.
"Khóc đi, không sao đâu.
"Anh biết em đã rất đau lòng."
Vòng tay ấm áp và vững chãi ấy…
Hoàn toàn đánh sập bức tường phòng vệ cuối cùng trong tôi.
Cảm giác được thấu hiểu, được trân trọng này, đã bao lâu rồi tôi chưa từng cảm nhận?
Lâu đến mức tôi cứ ngỡ, mình vốn không xứng đáng có được.
Thế mà nơi đất khách cách nửa vòng trái đất này—
Anh chỉ dùng một viên kẹo trái cây, đã dỗ tôi như dỗ một đứa trẻ.
Tôi không thể kìm nén thêm nữa.
Giọt nước mắt bị nén lại từ năm tôi lên năm, cuối cùng cũng ào ạt tuôn ra sau hơn hai mươi năm.
Anh chỉ lặng lẽ vỗ lưng tôi, mặc cho nước mắt tôi thấm ướt cả áo anh.
Đến cuối cùng, tôi không biết từ lúc nào…
Mình đã khóc đến thiếp đi trong lòng anh.