Nhật Kí Phát Tài Ở Ngôi Làng Bị Giải Tỏa [Thập niên 90] - Chương 2

Chương 2: Về thôn

Từ Đại học tỉnh Nam đến thôn Kiều Đông, phải xuất phát tại cửa phía Đông, ngồi xe buýt tuyến số 21 đến trạm chờ phía Nam, rồi lại ngồi tuyến xe buýt số 8 đến thôn Kiều Đông. Nếu xe buýt số 21 xuất phát từ làng Đại học có nhiều chuyến, thì xe buýt số 8 có khi phải đợi mấy tiếng đồng hồ mới có một chuyến. Thuận lợi thì ba tiếng là về được đến nhà, còn nếu trung chuyển qua nhiều xe thì bốn tiếng mới đến là chuyện bình thường.

Học kỳ này, phải nửa tháng Trần Kim mới về một lần, chủ yếu là để thu tiền phòng, xem vườn cây ăn quả và quán tạp hóa ở trong nhà. Mỗi một lần về cũng tiện mang theo chút quần áo dày để mặc mùa đông, bây giờ đồ còn lại ở ký túc xá cũng chỉ có quần áo mùa hè.

Mặc dù Đại học tỉnh Nam là Đại học tốt nhất tỉnh Nam, nhưng tình hình sau tốt nghiệp đi làm hiện giờ không còn giống như mấy năm trước nữa, nhà trường không thể hoàn toàn quyết định hướng đi sau tốt nghiệp của các sinh viên, mà thí điểm đi làm bây giờ là "lựa chọn hai hướng". Hơn nữa sau khi cải cách mở cửa, các xí nghiệp tư nhân mọc lên như măng sau mưa, tốc độ phát triển qua vài năm nay lại càng như vũ bão, khí thế bừng bừng, ngược lại thì không ít xí nghiệp nhà nước lại xuống dốc không phanh. Các anh chị khóa trên cùng chuyên ngành với họ cũng đã từng tiết lộ, tiền lương của xí nghiệp tư nhân cao hơn gấp mấy lần xí nghiệp nhà nước.

Cô không suy nghĩ đến việc làm ở xí nghiệp tư nhân, vì ban đầu trong nhà còn có hai người là mẹ và cô, nhưng hiện giờ thì còn lại mỗi cô. Trước đây mẹ cô thường hay nhắc mãi, thu nhập từ việc cho thuê phòng cũng đủ cho sinh hoạt hàng ngày của cô rồi, tìm thêm một công việc ổn định nữa là được.

Vậy nên cô mới suy nghĩ đến việc ở lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp. Còn vào bộ phận hành chính của nhà trường thì khá khó, nhưng vẫn có thể tranh thủ được vị trí trợ giảng.

Ai mà ngờ!

Đang lúc đau đầu, ngẩng đầu lên thì thấy Lê Hành Nhất và bạn gái của cậu ta - Bạch Linh.

Cô không muốn ban tặng thêm mấy cái tát nữa, nhưng Lê Hành Nhất lại thích nổi cơn điên, cố tình lái chiếc xe mà bố cậu ta vừa mới tặng đến trước mặt cô, hạ cửa kính xe xuống, vươn người qua Bạch Linh ngồi ở ghế phụ lái, giả bộ hỏi: "Trần Kim, để anh lái xe đưa em về nhé?"

Bạch Linh nhìn túi du lịch ở cạnh chân Trần Kim rồi lại nhìn gương mặt đang quay về một phía của cô, thầm đắc ý: "Đúng đó, Trần Kim, cậu ngồi xe buýt đi về phải mất mấy tiếng đồng hồ đó. Ở thôn đúng là hơi bất tiện... Nhỉ?"

"Được thôi." Trần Kim xách túi hành lý lên, bước về phía cửa xe của chỗ ngồi phía sau, dùng sức kéo cửa xe mấy lần nhưng không thể kéo ra được, cô đập vài cái lên cửa xe, cười lạnh một tiếng, đi đến bên cạnh cửa của ghế phó lái, khom lưng nhìn về phía Lê Hành Nhất đang mang vẻ mặt khó coi ở trong xe, rồi lại nhìn Bạch Linh, tỏ vẻ khó chịu: "Đôi mèo mả gà đồng các người ấy à, một thằng thì cắm sừng, một con thì làm tiểu tam, đắc ý gớm ha? Rảnh quá thì né tôi mà đi, nghe chưa? Còn đến nổi điên trước mặt tôi nữa thì xem tôi có tát vỡ cái mặt chó anh không!"

Cô lại đập xe thêm vài cái nữa: "Lo mà lái xe đi, hai con quỷ yểu mệnh như các người cẩn thận gây tai nạn liên lụy đến người khác đó."

Vẻ mặt của Lê Hành Nhất càng trở nên khó coi, nhưng cũng dễ dàng chấp nhận thái độ hiện giờ của Trần Kim, dẫu sao thì hồi còn học cấp ba Trần Kim đã vậy rồi, chỉ có điều cô mới nổi điên hai lần lúc học lớp 10, sau đó không ai dám chọc giận cô nữa. Hai năm sau, cô chuyên tâm học tập khiến cậu ta cũng dần quên đi cái dáng vẻ này của cô.

Nhưng Bạch Linh thì chưa thấm, không thì sao hôm nay cô ta lại dám đến đây. Lần thứ nhất gặp là tại tiệm tổng hợp Vạn Dân trong thành phố, lúc ấy Trần Kim bắt được Lê Hành Nhất, tát cho vài cái. Còn có một lần, cô ta cố ý chặn Trần Kim vào đúng lúc tan học, bị Trần Kim mắng đến nỗi khóc lóc, chạy mất tăm.

Cũng tại lúc ấy Trần Kim mang khuôn mặt hầm hè mắng cho tối tăm mặt mũi, nên ngay cả cơ hội để chen miệng cũng chẳng có. Bọn họ đã được sống trong điều kiện tốt từ nhỏ, cho dù có chửi người thì cũng chỉ dám khịa, đâu giống như Trần Kim, gân cổ lên, móc thẳng, vừa mới mở mồm là “Cái thứ mèo mả gà đồng".

"Chậc, khóc khóc khóc, chỉ biết khóc, cô vô tội cho ai coi hả, vừa thấy cái mặt đã thấy xui xẻo." Trần Kim ghét bỏ liếc một cái, cô đã làm gì đâu, đã chạm vào đâu, thế mà ầm ĩ một tí mà cô ta đã mắt đỏ mày cau. Tính ra cô cũng dịu keo chứ bộ, chỉ mắng vài câu mà thôi, thím Chu sát vách nhà cô mà gặp phải đám mèo mả gà đồng này thì chắc chắn không thèm nói lấy một câu, chỉ có xắn tay áo lên, vả cho lệch mặt, cào xé, rạch toang ra mà thôi.

Lê Hành Nhất giận dữ trợn mắt, muốn giúp bạn gái hả tức, nhưng chưa gì Trần Kim đã xách túi chạy về phía sau.

Cậu ta bị ăn một cục tức, không thể nào nuốt nổi khiến đầu óc cứ vang vọng mãi câu nói của Trần Kim: Cái bọn mèo mả gà đồng!

Mà Bạch Linh muốn giễu cợt Trần Kim không thành, ngược lại còn bị cô chọc tức, cô ta ngoảnh lại trút hết cơn giận lên đầu Lê Hành Nhất: "Anh ở đấy mà nhìn cô ta chửi em à? Có phải anh muốn quay lại với cô ta không? Anh nói đi, nếu như anh vẫn còn nhớ thương cô ta, vậy thì chúng ta chia tay ngay và luôn. Ban đầu là do người nhà anh tìm đến, lại còn nói là anh độc thân nữa. Kết quả thì sao, khi ấy mẹ anh nói chia tay rồi đúng là lừa người cả..."

"Quả thực là lúc đó anh và cô ta chia tay rồi, vốn là chia tay sớm rồi đấy, nhưng năm ngoái mẹ Trần Kim mất, dẫu sao thì cũng quen nhau nhiều năm, cũng không thể đề cập đến vấn đề chia tay ngay thời điểm đó chứ. Xin lỗi mà, hôm nay là do anh sai. Nhưng tính tình Trần Kim là vậy đấy, nếu sau này có thấy cô ta thì chúng ta tránh xa ra một chút là được."

"Sao em lại phải tránh chứ, cô ta là cái đếch gì! Chờ đó cho em, không phải cô ta muốn ở lại làm trợ giảng hay sao, khi về em sẽ nói với cậu họ, loại người như cô ta thì dựa vào đâu mà ở lại trường làm trợ giảng đây? Trần Kim Trần Kim, aaa—!"

Khi xe buýt đi qua, Trần Kim còn thò đầu ra làm mặt quỷ với cô ta rồi "lêu lêu lêu", Bạch Linh tức giận đến nỗi run cả người.

Nhân viên bán vé thấy thế thì trợn trừng mắt, gầm lên: "Không được thò đầu ra ngoài cửa sổ! Bạn học nữ kia, bị làm sao đấy hả?"

Trần Kim ngồi về chỗ, ngoan ngoãn nhận sai với nhân viên bán vé, nói rằng mình trông thấy bạn học nên mới phấn khởi như thế. Sau đó nhân viên bán vé ngồi ngay cạnh nhìn cô chằm chằm, còn dạy dỗ suốt nửa giờ, nhưng Trần Kim không hề thấy bất ổn chút nào.

Hành khách trên xe thấy thái độ của cô nghiêm chỉnh, dáng vẻ cũng lanh lợi nên nói giúp vài câu: "Con bé biết lỗi rồi, thanh niên ấy mà, biết sai thì sửa, cho con bé một cơ hội đi."

Đến một trạm dừng chân, vừa đúng chỗ Đại học Y, mười mấy sinh viên xông lên, nhân viên bán vé đành phải chuyển chỗ, cuối cùng thì lỗ tai của Trần Kim cũng được thanh tịnh.

Làng sinh viên ở ngoại ô phía Bắc thành phố, hơn nửa số nhà máy của thành phố đều nằm tại đây. Mỗi lần về nhà là mỗi lần cô "đi xuyên thành phố" Phủ Châu này.

Ngoại ô phía Nam thành phố có một đoạn đường mà cả hai bên đều là nhà máy, đi thêm về phía trước là đến thôn Kiều Tây, kiến trúc nhà ở nơi đây giống như một đống hộp xi măng xếp chồng lên nhau vậy, móng nhà nhiều như vậy, nhưng nhà nào cũng xây đầy phòng cho thuê. Người thuê nhà ở đây đa số là công nhân nhà máy ở ngoại ô, cũng có cả các công nhân làm ở thành phố nhưng lương không cao.

Người ở tỉnh Nam trọng dòng họ, những người cùng một họ, đều cùng nhau làm ăn kinh doanh, còn ngày Tết mà không trở về bái lạy tổ tông thì sẽ bị chỉ trích. Trần Kim đi theo mẹ đến đây, nhưng mỗi khi có những chuyện lớn như gặp mặt dòng họ, giỗ tổ thì ông bà ở thôn Kiều Đông vẫn sẽ gọi điện kêu cô qua đó. Gọi mười lần thì có thể thành công gọi cô đến một lần, hễ là cô về, nhà của ông bà không gà bay thì cũng chó sủa.

Mấy bà cô trong thôn Kiều Tây đều ngấm ngầm gọi cô là "Kim xúi quẩy".

Xe buýt đi qua, cô còn trông thấy được tòa nhà vừa mới ốp gạch men sứ láng bóng của ông bà nội.

Xuất phát từ cửa Đông của trường học lúc một giờ chiều, khi đến cửa thôn Kiều Đông đã là bốn rưỡi chiều.

Nhà của cô cách cổng thôn khá gần, xuống xe rồi đi cũng chỉ mất ba, bốn phút.

Tổng cộng cả thôn Kiều Đông hiện có 18 hộ dân, toàn bộ đều là họ Trần.

Không sai, Trần Kim theo họ của mẹ cô. Khi vừa mới ra đời vẫn chưa có tên trong hộ khẩu, sau khi bố mẹ cô ly hôn thì mới có tên. Ban đầu mẹ của cô muốn đặt cái tên "Niệm", nhưng khi ấy lại bị nhân viên công tác hộ khẩu nhìn nhầm, thế là thành "Kim" (Do chữ tượng hình của hai chữ này có phần giống nhau, muốn hiểu hơn thì gg).

Bằng không, thôn Kiều Tây cũng đâu nghĩ ra cái biệt danh "Kim xúi quẩy" đầy tai tiếng như thế.

Cô ngẩng đầu lên, trông thấy bề ngoài trơ trụi của ba tầng bên trên hai tòa nhà của mình, lúc xây xong thế nào mà giờ thì... Song sắt bao quanh tạo thành cái sân nhỏ, phía trước sân là gian nhà trệt chưa hoàn thiện, đó là quán tạp hóa được mở trong nhà, hiện tại đang nhờ cháu gái của mợ ba - Điền Miêu trông quán, mỗi tháng cho 100 đồng và ăn ở tại nhà mợ ba.

Bên trái nhà cô là nhà của cậu cả Trần Văn Cường, vốn ban đầu chỉ có mỗi một tòa nhà tinh xảo, cao hai tầng xây theo kiểu phương Tây - sự tồn tại độc nhất trong thôn Kiều Đông. Nhưng tháng Ba năm ngoái, không biết cậu cả lên cơn điên gì, quay về phá sập ngôi nhà đó, xây lại thành hai tòa nhà cao sáu tầng, chỉ sửa sang lại gian phòng dưới tầng một để ở.

Hai ngôi nhà ấy còn chiếm nhiều diện tích hơn nhà cô, nhưng vườn hoa và sân nhỏ ban đầu cũng không còn. Chuyện này đúng là tiền trảm hậu tấu, chờ đến khi vợ cậu cả biết, hai người cãi nhau rầm trời suốt hai tháng, suýt thì ly hôn.

Cậu cả khuyên mẹ cô xây thêm tầng, lúc ấy mất khá nhiều sức lực, vì mẹ cô đã tích góp vốn liếng suốt mấy năm mới được 13 vạn để dự định mua cho cô một căn nhà trong thành phố. Nhưng cậu cả nghe được thông tin, có khả năng chính phủ muốn xây vườn công nghiệp tại thôn Kiều Tây vào năm 1993, mặc dù không giải tỏa đến thôn Kiều Đông, nhưng dựa vào thế mạnh là gần vườn công nghiệp, thôn Kiều Đông vẫn có thể xây nhà cho thuê.

Trong thôn còn có 6 hộ cũng xây thêm tầng, đều là những nhà đã có ý định xây thêm tầng từ lâu.

Tầng xây thêm của họ đã được trùng tu xong từ lâu, đang bắt đầu cho thuê, chỉ có nhà của Trần Kim và Trần Văn Cường là xây xong tầng rồi để không đó, bây giờ vẫn chưa sửa sang lại.

Điều này cũng khá dễ hiể, vì hiện giờ nhà của Trần Kim chỉ còn lại mỗi mình cô, bình thường còn phải đi học, tạm thời không rảnh để quan tâm đến việc trong nhà. Còn nhà của Trần Văn Cường thì xây thêm tầng tốn khá nhiều tiền, số dư bên phía công ty xây dựng bị kéo theo, lại còn phải trả tiền lương cho công nhân nên không tiện ra tiền, thế nên việc sửa sang ở đó cũng tạm thời bị trì hoãn.

Vài người trong thôn nói, bọn họ phí tiền vô tích rồi.

"Trần Kim được nghỉ rồi à?" Thím Chu đang buôn chuyện với Điền Miêu ở trong quán tạp hóa, hai người hơn kém nhau 20 mà vẫn có thể trò chuyện say sưa ngon lành.

Điền Miêu đứng dậy nhìn, hô lên "chị họ", sau đó nói: "Dì hai của em có kêu chị qua nhà ăn cơm tối nay đó."

"Ừ, biết rồi. Chị về nhà cất đồ trước đã."

Trần Kim cùng vai vế với ba chị em nhà cậu và hai chị em nhà dì nên mới xếp hàng thứ "ba", gia đình cậu cả Trần Văn Cường có 2 trai 1 gái, nhà cậu hai thì có 1 đứa con gái, nhà cậu ba thì có 2 anh em trai. Cậu ba là anh họ của mẹ cô, bố mẹ của cậu ba là anh em ruột với ông bà ngoại của cô, quan hệ cũng khá thân thiết, không khác gì cậu ruột. Ngoại trừ ba người cậu ra, Trần Kim còn có hai người dì, dì cả là chị ruột của mẹ cô, dì hai là em họ của mẹ cô.

Cả thôn Kiều Đông đều có cùng tổ tông, hộ gia đình nào cũng đều có chút quan hệ thân thích. Nội bộ nhà họ Trần khá đoàn kết, hồi đầu năm, bên phía nhà ông nội của cô muốn dời hộ khẩu của cô về, đụng phải cậu cả tính nóng như kem, suýt chút nữa thì thành trận ẩu đả tập thể giữa thôn Kiều Đông và thôn Kiều Tây.

Họ hàng thân thích nhà cô rất đông, nhưng cũng chỉ tập trung ở thôn Kiều Đông và thôn Kiều Tây. Ở thôn Kiều Đông là "con ông hàng xóm", còn bên thôn Kiều Tây thì là "Kim xúi quẩy".

Vãi cả ôi luôn!

Trần Kim lấy chiếc chìa khóa của nhà thứ nhất ra khỏi túi, hai ngôi nhà chỉ cách nhau đúng một mét, ngoại trừ tầng một của ngôi nhà bên trái được giữ lại để ở ra thì mấy tầng khác đều cho thuê.

Những phòng cho thuê cũng không phải lúc nào cũng có khách, đôi lúc có người trả phòng, phải đợi thêm một khoảng thời gian nữa mới có người thuê mới. Họ không thể dùng tiền để làm quảng cáo, cũng chẳng có cách gì để tuyên truyền, vậy nên những khách trọ mới đều là được giới thiệu từ khách cũ mà tới.

Mặc dù phòng thuê của nhà họ được dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng, tiền thuê cũng rẻ, nhưng khoảng cách đi làm xa, vậy nên ít người đến đây thuê hơn so với bên thôn Kiều Tây.

Tầng một của nhà bên này được lắp hai cánh cửa. Khi mở cửa đi vào, bên tay trái là phòng bếp, bên tay phải là phòng vệ sinh, phòng khách và phòng ăn chung, vô cùng rộng rãi. Nhà có bốn phòng, phòng ngủ của cô ở ngay cạnh phòng học, phòng ngủ chính là của mẹ cô, trang trí bên trong vẫn còn để y nguyên. Còn một gian phòng ngủ dành cho khách còn trống thì để khi nào dì cả đến sẽ qua đêm ở đó.

Trong nhà, lớn như ghế sô pha, tủ lạnh, nhỏ như thìa, đũa đều là do cô trao đổi với mẹ để mua thêm dần và đã dùng nhiều năm.

Trước đây không cảm thấy trong nhà rộng rãi, nhưng hiện giờ lại phát hiện ra chỗ nào cũng trống rỗng.

Lúc vào cửa, cô thuận tay vỗ con rối chó trắng nhỏ bên trên tủ giày, nó sẽ vang lên tiếng "về rồi, về rồi".

Xách hành lí vào trong phòng ngủ, sau đó đi đến phòng của mẹ, lục lọi tầng cuối cùng của tủ áo khoác một hồi thì mới tìm được chốt để ấn xuống, tấm ván gỗ ở tầng cuối cùng được mở ra, bên trong là một hộp hình chữ nhật bằng sắt.

Trong hộp là vốn liếng, sổ hộ khẩu, giấy tờ bất động sản, hai giấy chứng nhận nhà ở, hai cuốn sổ tiết kiệm. Một cuốn sổ tiết kiệm thì hơn nửa năm nay vẫn có tiền tích vào, hiện giờ trong sổ có hơn 15 nghìn đồng. Cuốn sổ tiết kiệm còn lại thì chỉ có vào chứ không có ra, đã bắt đầu tiết kiệm từ năm 1982 và dừng lại từ tháng Mười năm ngoái, tổng cộng đã tiết kiệm được 23 nghìn đồng.

Số tiền mà cô có thể dùng được cũng chỉ có 38 nghìn đồng này.

Xây hơn 6 tầng, dùng cả 38 nghìn đồng thì cũng không trang trí hết được, mà tin thôn Kiều Tây bị giải tỏa vẫn chưa có phong thanh gì, cô sợ trang trí xong mà không có nhiều khách đến thuê trọ thì hỏng.

Dọn dẹp nhà cửa một chút, đổi ga giường xong, Trần Kim bèn đi đến quán tạp hóa để khớp sổ sách với Điền Miêu, thiếu hàng nào thì phải nhập thêm hàng đó.

Bình thường, Điền Miêu hay đến nhà mợ ba của Trần Kim để lấy cơm mang ra quán ăn, 8 giờ tối mới đóng cửa quán về nhà. Hôm nay Trần Kim bảo cô ấy đóng quán sớm, ăn cơm xong rồi lại đến sau.

"Người thuê ở phòng 301 trên tầng hai hỏi khi nào phòng mới xây trang trí xong, cậu ta có mấy người bạn muốn thuê phòng. Chị ba họ, khi nào phòng mới trong nhà mới trang trí vậy?"

"Không có tiền đâu, thôi bỏ qua trước đã." Trần Kim quay đầu lại, nói: "Miêu Miêu, giờ em nói chuyện nghe giọng Đông Bắc quá vậy."

Điền Miêu thở dài, u oán liếc mắt nhìn về phía tầng một: "Phòng 204 ở tầng một có một đôi vợ chồng người Đông Bắc, buổi tối tan làm, ăn cơm xong nên rảnh rỗi chẳng có việc gì nên ra quán tạp hóa nói chuyện phiếm, làm em cũng bị nhiễm theo một chút."

"Chậc chậc, hiện giờ tầng một có đến ba nhà người Đông Bắc nhỉ." Cô không dám nghĩ đến, nếu như mấy người này cùng kéo đến vào giờ tan tầm, tầng một chắc sẽ biến thành "tràn ngập cảm giác Đông Bắc" quá. (Giống giọng Nghệ An hoặc Hà Tĩnh khi nói chuyện nha, không hiểu gì hết, tiện cho Kính xin tips nghe hiểu)

Đến cửa hàng rau quả của thím Chu bên cạnh mua lấy một quả dưa dấu, đi dọc theo một con đường khá rộng rãi trong thôn mất năm phút là đến được nhà của cậu ba. Nhà của cậu ba khá nhỏ, chỉ xây hai tầng lầu, hai năm trước xây lên tầng sáu, vậy nên cậu cả có muốn dụ cậu ba xây thêm tầng cũng vô ích.

Mợ ba đang xào rau trong bếp, em họ Trần Vĩnh An đang chơi game Tiểu Bá Vương trong phòng, nghe thấy tiếng thì ngẩng đầu lên nhìn, hào hứng vẫy chào: "Chị ba, mau đến đây!"

Máy chơi game Tiểu Bá Vương này vốn là của Trần Kim, do trước đây mẹ cô thấy cô không thích xem TV nên mua cho cô, kết quả là cô không thích chơi, thế là Trần Vĩnh An được hời.

"Em chơi với Miêu Miêu đi, chị vào bếp phụ đã." Trần Kim để quả dưa hấu vào trong tủ lạnh, rồi chạy ngay xuống bếp.

Nhưng mợ ba không để cô đụng tay đụng chân vào, nói là sắp xong rồi.

"Vừa con mới thấy cậu ba cầm cuốc đi ra ngoài, cậu làm gì vậy mợ?"

"Trồng cây đào của ông ấy chứ còn gì nữa? Chẳng biết cậu cả của con nghĩ gì nữa."

Cũng phải thôi, lại thêm một người nữa bị cậu cả lừa trồng đào rồi.

"Mấy khối đất trống kia ngay gần thôn Kiều Tây, nhưng thôn Kiều Tây đâu có giải tỏa đến tận chỗ đấy cơ chứ?" Muốn theo chân thôn Kiều Tây để hưởng lợi sao? Theo bà ấy, như vậy chẳng khác nào dã tràng xe cát.

"Phải rồi, khi nào thì con bắt đầu trang trí mấy phòng mới xây vậy?" Mợ ba cúi đầu bận rộn, vẫn chưa ngừng miệng: "Nếu con không có đủ tiền, trong nhà còn một chút mượn được. Đã xây thêm rồi, không thể để mốc đâu, phí tiền lắm. Cũng may là học kỳ này con không cần đi học nữa đúng không? Vậy thì vẫn ở nhà trông nhà được. Nhưng mà ấy này, nếu như con còn vướng bận chuyện gì khác thì nói với cậu mợ một tiếng, cậu mợ còn biết đường mà giúp."

"À đúng rồi, ông của con có gọi điện thoại đến, bảo là trong thôn mở hội lớn, kêu con về ăn cơm, nhân tiện làm quen một chút."

"Con đâu có họ Lưu giống bọn họ, con không đi."

Mợ ba trừng mắt nhìn cô: "Sao lại không đi? Dạo gần đây ai cũng đồn rằng thôn Kiều Tây sắp được giải tỏa rồi, con không họ Lưu nhưng bố con họ Lưu đó, nếu có đền bù giải tỏa thì kiểu gì con chẳng được một phần."

=> Hay chương sau Kính để pass nhề? Ai muốn pass về chủ đề gì thì Kính xin ý kiến nha :]

Bình luận
Đăng ký mới
Báo Lỗi Truyện!
Mô tả chi tiết lỗi. Nếu báo đúng sẽ được thưởng 50 coin. Báo sai sẽ bị trừ 50 coin.
Donate Ủng hộ Team
Premium Chapter
hoặc 0 coin
Nếu không có mật khẩu mở chương bạn sẽ bị trừ coin!
Bạn có chắc chắn thực hiện hàng động này!
Đăng nhập
Nếu không đăng nhập được hãy dùng chức năng quên mật khẩu để lấy mật khẩu mới!
Quên mật khẩu
Mật khẩu mới và link xác nhận sẽ được gửi tới địa chỉ email! Mật khẩu mới chỉ có hiệu lực sau khi bạn xác nhận!
Thông báo