Lịch ra: T4 và T7 hàng tuần
Câu hỏi mà Hwirim đặt ra tựa như hòn đá ném xuống mặt hồ yên ả, khơi dậy những gợn sóng rối loạn trong lòng Myojeong, khiến tâm trí hắn day dứt suốt một ngày dài.
Khi màn đêm buông xuống, sau lúc chia tay Hwirim và trở về chốn nghỉ tại Tự Thiện Viện, Myojeong nhắm mắt mà giấc ngủ vẫn chẳng thể tìm đến. Hắn trằn trọc mãi trên chiếc chõng tre, cuối cùng đành ngồi dậy. Nằm không chỉ khiến lòng thêm nặng nề, hắn bèn với tay lấy một cuốn sách, định giở ra xem để khuây khỏa đôi chút. Cuốn sách ấy là bản ghi chép về nguồn gốc cùng lịch sử của Sở Narye, một tài liệu được dùng làm giáo trình tại viện.
Ngồi tựa cằm trên nền đất lạnh, Myojeong chậm rãi lật từng trang giấy.
Bangsangsi xuất hiện trên cõi đất này từ thuở xa xưa, khi nhân thế còn chìm trong hỗn loạn. Ông là sứ giả của Bổn hương, kẻ hầu cận trung thành, đồng thời cũng là cỗ xe chở linh hồn của Bổn hương. Ngoài danh xưng Bangsangsi, người đời còn kính cẩn gọi ông là Bangsangje hay Bangsangssi.
Truyền thuyết kể rằng, ông giáng trần vào thời chiến chinh khói lửa, khi tà khí mịt mù và ôn dịch hoành hành khắp chốn. Đeo chiếc mặt nạ gỗ sam mạ vàng che kín dung nhan, hình hài tựa người phàm, Bangsangsi mang theo quyền năng linh thiêng, đủ sức xua tan uế khí, quét sạch tà ma.
Ông ban truyền ‘quỷ khí’, một nguồn nguyên lực huyền bí, cho phép con người giao cảm với linh giới, đến những kẻ yếu đuối giữa trần gian. Những ai được ông trao tặng quỷ khí đã truyền lại qua bao đời, như hạt bồ công anh tung bay khắp thế tục, được gọi là Quý tài, những người mang tài năng hiếm quý.
Bangsangsi chọn vùng đất này làm nơi trú ngụ, đặt nền móng cho nghi lễ trừ tà và chung sống hòa hợp cùng nhân loại. Khi thấy cõi trần đã an ổn, ông cho rằng sứ mệnh của mình đã tròn, bèn tuyên bố sẽ trở về cõi trời. Những kẻ phàm trần từng phụng sự bên ông quỳ xuống, khẩn cầu trong đau đớn.
‘Chúng con e sợ khi Thần chủ rời bỏ nhân gian.’
Cảm động trước lòng lưu luyến ấy, Bangsangsi chọn một người trong số họ, trao lại chiếc mặt nạ vàng và phán.
‘Chiếc mặt nạ này chứa đựng toàn bộ tinh túy của ta. Từ nay, ngươi sẽ là hiện thân của ta.’
Người phàm ấy cúi đầu nhận lấy, và Bangsangsi rời khỏi cõi đời.
Myojeong khẽ chớp mắt, ánh nhìn dừng lại trên những dòng chữ.
Lịch sử vốn được truyền từ miệng người này sang kẻ khác, nên khó mà tin cậy hoàn toàn. Sách vở luôn mang ý đồ của người chép, và qua đó, sự thật đôi khi bị bóp méo tinh vi, lẫn lộn giữa vàng thau. Những gì hậu thế nhận được chỉ là thứ đã bị mài giũa qua bao lần kể. Cuốn sách này cũng đầy rẫy lời dối trá, điều mà Myojeong thấu rõ đâu là hư, đâu là thực.
Sách chép rằng Bangsangsi trao mặt nạ rồi về trời, để lại hiện thân là một kẻ phàm, nhưng đó chẳng phải sự thật.
Bangsangsi vẫn còn tồn tại trên cõi đời này. Ông không về trời, không phải vì không muốn, mà vì không thể. Con người đã giam cầm ông trong chiếc mặt nạ, ngăn ông trở lại chốn tiên giới. Vì sợ mất đi sự che chở thiêng liêng? Hay chỉ bởi lòng tham không đáy? Chẳng ai rõ nguyên do. Nhưng Bangsangsi, một vật linh, một vị thần từng được kính ngưỡng, đã bị phong ấn trong món đồ ấy.
Tại sao một vị thần cao vời, vượt ngoài tầm tay con người, lại bị giam giữ trong vật tầm thường như vậy? Làm sao phàm nhân dám biến thần linh thành công cụ để chiếm đoạt? Dù thế nào, đó chỉ có thể là sự kiêu ngạo vĩ đại của loài người.
Kẻ phàm đoạt được mặt nạ của Bangsangsi đã nhận lấy quyền năng thần thánh qua nó, thứ quyền năng mà con người vốn không thể sở hữu. Chỉ cần đeo mặt nạ, bất kỳ ai cũng hóa thành thần. Và Bangsangsi, kẻ bị nhân loại phản bội, lập tức trở thành nô lệ của chính họ. Bị phong ấn trong mặt nạ, ông chỉ biết ngửa mặt cười lớn, để lại lời nguyền.
‘Ôi! Ước nguyện thì cao cả, lòng tham lại đáng kinh tởm! Ta sẽ là sức mạnh của ngươi, nhưng cũng là dấu ấn nguyền rủa.
Đổi lấy việc chiếm giữ ta, ta cho ngươi một thời huy hoàng, và cả một kiếp suy vong. Ta sẽ lan theo dòng máu ngươi như nọc rắn độc. Tất cả lịch sử dính đến huyết mạch ngươi sẽ chịu trừng phạt. Kẻ thuộc dòng dõi ngươi, dù là ai, cũng không thoát khỏi tội nghiệt này.
Ngươi và con cháu ngươi sẽ đạt danh vọng, chiến công, sự kính sợ và vinh quang mà không phàm nhân nào chạm tới. Nhưng điều cốt yếu nhất, các ngươi mãi mãi không bao giờ có được. Dù sở hữu ta, các ngươi chẳng bao giờ là chủ nhân của ta.’
Người phàm ấy, nhờ mặt nạ vàng, được tôn làm Hiện thân của thần linh, trở thành chủ nhân Sở Narye.
Vừa là người, vừa là thần, khi đeo mặt nạ của Bangsangsi, người ấy chủ trì nghi lễ Narye, đứng trên cả kẻ sống lẫn hồn ma, khiến muôn vật cúi đầu kính sợ.
Như lời Bangsangsi tiên đoán, người ấy đạt được vinh quang và phúc lộc mà không ai trong nhân gian sánh bằng. Nhưng tiếc thay, tất cả chỉ là thoáng chốc.
Cuộc đời vị hiện thân đầu tiên, nếu xét như một kẻ phàm trần, lại nghiêng về phía bất hạnh. Dù mang danh hiện thân của Bangsangsi, hắn ta vẫn chỉ là người. Như bao kẻ khác, hắn ta gặp người mình yêu, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, nhưng người bạn đời qua đời chẳng bao lâu sau khi sinh hài nhi. Bản thân hắn ta cũng lìa đời ở tuổi ba mươi ba, một độ tuổi đầy tiếc nuối.
Sau khi hắn ta mất, đứa con nhỏ kế thừa mặt nạ, trở thành hiện thân tiếp theo. Nhưng kẻ ấy lại sống một đời y như cha mình, không lệch một khắc, rồi cũng ra đi. Yêu người, mất người, và chết ở tuổi ba mươi ba. Ban đầu, đó chỉ như sự trùng hợp kỳ lạ. Nhưng khi vòng luân hồi ấy lặp lại qua bao thế hệ, những kẻ phụng sự bên các hiện thân qua nhiều đời dần nhận ra điều bất thường.
Một trưởng lão, người ở bên các hiện thân lâu nhất, xin ngày tháng năm sinh của các tiền nhiệm, lập lá số tử vi để tìm hiểu. Dù là hiện thân của Bangsangsi, họ vẫn mang thân xác con người, nên ông hy vọng sẽ phát hiện manh mối. Quả nhiên, đáng lẽ mỗi người có một đời riêng, nhưng tất cả đều sống cùng một số phận. Đó không phải ngẫu nhiên.
Cuộc đời vị hiện thân đầu tiên đã thành khuôn mẫu, buộc hậu duệ phải bước theo. Các trưởng lão của Sở Narye, nhận ra điều này được truyền thừa như tục lệ giữa các hiện thân, bèn giấu kín sự thật, phong tỏa thành cơ mật. Chỉ trưởng lão và người kế vị được biết.
Vô số nỗ lực đã được thực hiện, bất kể thủ đoạn, để thoát khỏi cái chết định sẵn, nhưng đều vô vọng. Dòng dõi ấy mãi truyền lại thất bại, không ai vượt qua được nghiệp chướng. Đây không chỉ là cái chết, mà là hình phạt, một lời nguyền khắc vào huyết thống.
Dẫu vậy, với ai đó, cái giá này có thể chịu đựng được. Con người rồi ai cũng chết, mất người thân yêu cũng là điều tất yếu trong đời. Nhưng nỗi đau thực sự nằm ở việc biết trước ngày tận mệnh của chính mình. Qua thời gian, không ai còn ý chí chống lại số phận. Như thú bị mắc bẫy, vùng vẫy một lúc rồi buông xuôi, cuối cùng chẳng ai tìm cách thoát nữa.
Cuộc sống không đoán trước có thể bất an, nhưng đầy những hỷ nộ ái ố của đời thường, đôi khi là một hành trình kỳ thú. Nhưng sống với kết cục đã định chỉ là sự cam chịu, là từng ngày chết dần. Ngày sinh nhật không còn là niềm vui được sinh ra, mà là nỗi buồn đếm ngược thời gian còn lại, một bất hạnh không gì sánh nổi.
Myojeong đã thấu rõ số phận mình từ thuở ấu thơ. Khi bắt đầu hiểu biết, hắn khắc ghi điều đó như một phần bản thể. Dù còn nhỏ, hắn mang sự điềm nhiên lạ lùng của kẻ đã ngộ ra cái chết. Ban đầu, hắn tưởng ai cũng biết ngày tận số của mình, nhưng khi nhận ra không phải vậy, hắn từng tự hỏi ‘Vì sao?’, rồi dần chấp nhận một cách tự nhiên.
Myojeong không oán trách hay bi lụy. Từ lúc chào đời, hắn đã bị các trưởng lão giáo huấn như tẩy não. Họ biết thời gian của hiện thân là hữu hạn, được truyền qua bao đời, và tận dụng điều đó triệt để. Như cách họ biến Bangsangsi thành công cụ, hiện thân cũng thành vật trong tay kẻ khác.
Người đối diện cái chết giữa đời có thể phủ nhận, tuyệt vọng, hay đau khổ. Nhưng Myojeong, kẻ thấu hiểu tử mệnh từ khi lọt lòng, chưa từng rơi vào bi kịch ấy. Hắn chỉ sớm nhận ra rằng, sống chẳng qua là một điều tầm thường và nhàm chán.